Đà Bắc là một huyện vùng cao của Hòa Bình giáp với Phú Thọ và Sơn La, đây là huyện có diện tích rộng nhất tỉnh nhưng lại có tương đối nhiều khó khăn, tỉnh lộ 433 là con đường duy nhất nối thành phố Hòa Bình và chạy xuyên suốt huyện.
Đà Bắc nằm ở độ cao trung bình 560 m, có nhiều ngọn núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Đà Bắc có địa hình núi, đồi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp. Đây là nơi tiếp giáp giữa các vùng Tây Bắc và Đông Bắc nên có sự giao thoa của nhiều luồng văn hoá khác nhau, tạo nên sự đặc sắc, quyến rũ cho mảnh đất này.
Được biết đến là huyện có nguồn tài nguyên phong phú, hấp dẫn, địa hình đồi núi hùng vĩ với hệ thống hang động đẹp, các đảo lớn, nhỏ trên hồ Hòa Bình cùng hệ sinh thái rừng tự nhiên đa dạng, phong phú, nền văn hóa đậm bản sắc các dân tộc Tày, Mường, Dao… đây là những tiềm năng, lợi thế để Đà Bắc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn huyện phong phú với nhiều điểm đến, bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo như: đền Thác Bờ, di tích lịch sử chiến khu Mường Diềm, di tích lịch sử Tú Lương , đội du kích Toàn Sơn, bia Lê Lợi… Các dân tộc Dao, Tày, Mường trên địa bàn huyện còn lưu giữ rất nhiềunhững nét văn hóa đặc trưng trong nếp sống, sinh hoạt, tất cả những yếu tố này là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng tại Đà Bắc.
Đà Bắc chỉ có độ cao trung bình khoảng hơn 500m, không phải quá cao nhưng do nằm sát khu vực lòng hồ Hòa Bình nên khí hậu vẫn tương đối mát mẻ. Nơi đây rất phù hợp để nghỉ ngơi trong những ngày oi nóng của miền Bắc.
Với phương tiện cá nhân có sẵn, các bạn có thể chủ động trong việc di chuyển tới Đà Bắc. Từ Hà Nội các bạn đi đường đại lộ Thăng Long với ô tô (với xe máy đi đường gom bên cạnh) rồi đi thẳng tới ngã 3 làng văn hóa các dân tộc thì chuyển hướng đi Hòa Bình theo tuyến đường mới, chỉ khoảng 1 tiếng các bạn sẽ có mặt tại thành phố Hòa Bình. Từ đây các bạn rẽ theo tỉnh lộ 433 để đi Đà Bắc, đây là tuyến đường duy nhất để tới huyện này. Nếu các bạn tới xã Hiền Lương quãng đường vào khoảng 30km, nếu tới xã Tiền Phong quãng đường vào khoảng 50km. Tuyến đường này nhiều đoạn đang làm nên tốc độ di chuyển cũng không thể nhanh được.
Từ Hà Nội các bạn có thể bắt các tuyến xe khách đi Hòa Bình chạy liên tục, các xe này thường xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa. Nếu đi từ các bến xe khác, các bạn có thể lựa chọn các xe khách đi Sơn La hoặc Điện Biên cũng được, tất nhiên nhớ chọn xe đi ban ngày nhé.
Từ Hòa Bình đi Đà Bắc bằng phương tiện công cộng, tiện nhất là các bạn sử dụng đường thủy vì có thể tranh thủ tham quan lòng hồ luôn, cảng Bích Hạ nằm ngay trung tâm thành phố (gần đập thủy điện) có rất nhiều thuyền cung cấp các dịch vụ du lịch khám phá lòng hồ. Từ đây các bạn có thể đến được các xã du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Đà Bắc như Hiền Lương hay Tiền Phong.
Nếu đi theo nhóm khoảng 4-5 người, các bạn có thể thuê taxi từ trung tâm thành phố tới các địa điểm mong muốn ở Đà Bắc như Hiền Lương hay Tiền Phong. Quãng đường trong khoảng từ 30-50km, tiền taxi chia ra chắc cũng dao động khoảng 100-150k/1 người.
Tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng nên các cơ sở lưu trú ở Đà Bắc hầu hết là homestay của người dân địa phương. Nằm dọc dòng chảy của sông Đà và hồ thủy điện Hòa Bình nên Đà Bắc chủ yếu phát triển hình thái lưu trú homestay. Các homestay chủ yếu ở các xã Hiền Lương, Tiền Phong và được xây dựng chủ yếu dựa trên những ngôi nhà sàn cũ của dân địa phương.
Nhưng với khí hậu mát mẻ, các bạn có thể lựa chọn dựng lều ngủ qua đêm ở nhiều bãi đất trống khi đến Đà Bắc.
Quanh khu vực các xã của Đà Bắc có rất nhiều bãi đất trống nằm ngay sát hồ Hòa Bình, rất phù hợp để dựng lều và ngủ qua đêm do những khu vực này tương đối mát mẻ. Tuy vậy do nằm khá xa khu dân cư nên các bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ đạc trước khi di chuyển tới vị trí dựng lều nhé. Nếu muốn xuống sát lòng hồ, chỉ các loại xe gầm cao và xe máy có thể đi, những dòng xe nhỏ gầm thấp sẽ khó có thể vượt qua những đoạn đường xấu.
Trekking là tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Những chặng đường trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị, bất ngờ. Đây là một hình thức du lịch giúp du khách có cơ hội rèn luyện thân thể, hòa mình vào thiên nhiên và có những cảm nhận mới lạ về cuộc sống, con người nơi bước chân mình đi qua. Các bạn có thể trekking giữa các bản với nhau hoặc hỏi người dân địa phương về những cung đường đẹp để tự trek.
Lội suối là hoạt động trải nghiệm nhẹ nhàng và không mất sức cho trẻ. Hoạt động tương đối thú vị nếu các bạn có trẻ nhỏ đi cùng, khu vực quanh xã Hiền Lương có rất nhiều những con suối nhỏ chảy từ trên núi cao xuống dưới hồ, trẻ nhỏ sẽ rất thích khi được trải nghiệm cảm giác lội bộ trong dòng suối mát lạnh.
Nếu có điều kiện, các bạn hoàn toàn có thể mang xe của mình tới Đà Bắc để khám phá vùng đất này. Nhiều homestay ở Đà Bắc có sẵn xe đạp cho du khách mượn để đi dạo, các tuyến đạp xe thường chạy quanh bản hoặc dọc theo lòng hồ Hòa Bình.
Các homestay ở Đà Bắc thường chuẩn bị sẵn thuyền kayak cho du khách. Hầu hết tại các địa điểm du lịch lòng hồ ở Đà Bắc, Thung Nai, bản Ngòi Hoa ở Tân Lạc thì đều có sẵn hoạt động này cho du khách tham gia. Với không gian mát mẻ, nước lặng nên việc chèo kayak trên hồ rất tuyệt, hoạt động này phù hợp với hầu hết các lứa tuổi do không quá mệt.
Lòng hồ lúc nào cũng mát lạnh nên bơi vào mùa hè rất thích, tuy vậy dù có biết bơi các bạn cũng nên mặc áo phao cho an toàn nhé. Một số homestay ở xóm Ké, Hiền Lương có các bể bơi được chủ nhà xây dựng, nguồn nước bể bơi được sử dụng từ nước suối nên lúc nào cũng mát lạnh. Một địa điểm khác mà các bạn có thể bơi chính là lòng hồ thủy điện, tuy vậy khi bơi trên hồ các bạn bắt buộc phải mặc áo phao do địa hình lòng hồ không bằng phẳng, độ nông sâu không đều nhau nên tương đối nguy hiểm.
Tùy thời gian mà các bạn có thể lựa chọn các tuyến tham quan lòng hồ khác nhau, có những tuyến chỉ khoảng 1 tiếng nhưng có những tuyến có thể kéo dài nửa ngày. Hầu hết ở các bản du lịch cộng đồng ở Đà Bắc, người dân đều có sẵn thuyền để phục vụ chở du khách tham quan lòng hồ. Nếu đi theo đoàn đông, các bạn có thể thuê trọn 1 chiếc thuyền để tiện đi đến những điểm mong muốn
Hiền Lương có xóm Ké nằm sát mép hồ Hòa Bình, có 80 hộ người Mường sinh sống. Hầu như phong cảnh còn nguyên sơ, bản sắc văn hóa của người dân địa phương còn được lưu giữ. Đến thăm xóm Ké, du khách vừa được khám phá núi non, rừng già hùng vĩ, lòng hồ mênh mang lại được cùng sinh hoạt, cảm nhận cuộc sống văn hóa, lao động, sản xuất của người dân địa phương.
Xã Cao Sơn có xóm Sưng, nằm ở độ cao khoảng 530 m so với mặt nước biển, phía sau lưng là dải núi Biều hùng vỹ, dưới chân là ruộng bậc thang uống lượn trải dài theo sườn đồi thơ mộng. Xóm Sưng có 73 hộ, trong đó 100% là người dân tộc Dao. Đây là nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền. Ngoài thăm quan, khám phá phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người dân nơi đây, du khách có thể chiêm ngưỡng cây Trò cổ thụ vài trăm năm tuổi, đi bộ khoảng 30 phút qua rừng già lên khám phá hang Sưng.
Cách trung tâm huyện khoảng hơn 20km, với lợi thế về cảnh quan, khí hậu trong lành vùng ven lòng hồ, các loại hình dịch vụ du lịch ở Vầy Nưa dần phát triển. Trên địa bàn xã Vầy Nưa có đền bà Chúa Thác Bờ, một ngôi đền rất nổi tiếng mà nhiều du khách khi đến du lịch lòng hồ Hòa Bình đều không thể bỏ qua.
Sự độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc Mường được người dân xóm Đá Bia bảo tồn để làm du lịch cộng đồng. Nếp nhà sàn, tiếng chiêng, điệu múa xòe; ẩm thực hay phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Mường tạo nên sức hút đặc biệt đối với khách du lịch. Hiện nay, tại xóm Đá Bia có 5 hộ làm du lịch cộng đồng, nhưng 100% người dân trong xóm đã cùng hỗ trợ các hộ làm du lịch với mong muốn quảng bá sự độc đáo của văn hóa Mường Ao Tá tới du khách.
Người Mường Ao Tá có nhiều truyền thuyết độc đáo chứa đựng sự huyền bí mà không ai có thể giải thích được đó là “Quán tự giác”. “Quán tự giác” được coi là “Siêu thị đầu tiên của người Mường Hòa Bình”. Mọi người buôn bán, mua hàng theo tính tự giác: Tại Quán tự giác có một bảng giá chi tiết cho từng sản phẩm được người bán treo tại quán. Người mua chỉ cần nhìn vào bảng giá rồi tự giác bỏ tiền mua hàng vào giỏ. Các mặt hàng chủ yếu được bà con đem bán là sản phẩm địa phương như trứng gà, thịt trâu khô, rau, củ, quả, một số mặt hàng lưu niệm. Theo các cụ cao niên trong xóm: Nếu ai đến mua hàng không tự giác bỏ tiền vào giỏ mà có ý đồ gian lận không trả tiền sẽ không ra khỏi được xóm Đá Bia. Cứ như thế, theo thời gian, quán tự giác được người Mường Ao Tá giữ gìn để bán sản phẩm. Khách du lịch cũng rất thích thú với hoạt động trải nghiệm đi siêu thị của người Mường.
Với cảnh quan thiên nhiên đậm chất hoang sơ, thơ mộng cùng với không gian sinh hoạt của người Mường, nằm xen giữa 2 điểm du lịch cộng đồng xóm Ké và xóm Đá Bia trên tuyến du lịch hồ Hòa Bình, bản Mó Hém, xã Tiền Phong hiện là bản du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách đến trải nghiệm, khám phá. Đến đây du khách có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động như: chèo bè mảng, đánh bắt cá, tôm, câu cá trên hồ, đi xe đạp, đi bộ khám phá xung quanh bản làng…
Còn được gọi là chợ Ênh, họp vào thứ 3 hàng tuần ở xã Tân Minh. Đây được xem là phiên chợ đông vui nhất của Đà Bắc, hội tụ nhiều bản sắc, nơi gặp gỡ, giao thương của đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Dao.
Thịt lợn ba chỉ được thái con chì ướp với hạt mắc khén nướng vàng ăn lúc vừa chín tới cũng hấp dẫn vô cùng. Vị ngọt của thịt lợn quện với hương thơm của gia vị tạo nên một món ăn đặc biệt bất cứ ai cũng không thể từ chối.
Trên vùng cao, gà thường được nuôi thả vườn nên lúc nào thịt cũng dai, thơm và ngọt. Gà không to nhưng về độ ngon thì khỏi bàn, tùy vào sở thích mà các bạn có thể đề nghị chủ nhà nướng hay luộc.
Sông Đà hiện nay còn nhiều loại cá như cá măng, cá lăng, cá chiên, cá ngạnh… có thể chế biến thành hàng chục món khác nhau như cá nướng, cá đồ, cá nấu măng chua… Từng con cá tươi bắt từ sông lên được chế biến sạch, ướp muối rồi kẹp bằng những thanh tre già và tươi, nướng trên than hồng. Từng xiên cá nóng hổi được chấm với muối trắng trộn với hạt dổi thêm vài lát ớt sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá.
Người dân địa phương sẽ lên rừng lấy các loại rau như cải đồng, tầm bóp, sam, rau má, ngải cứu, lá đu đủ, quả cà dại và hoa chuối về chế biến món rau đồ… Các loại rau được rửa sạch trộn đều với nhau và đồ trong cuốp. Rau đồ có mùi thơm ngọt lạ và màu sắc hấp dẫn với đủ màu như xanh, nâu, trắng của các loại rau, quả.